Feeds:
Bài viết
Bình luận

MỘT TRANG ĐỜI

Đi hội thảo người ta giới thiệu em tốt nghiệp tiến sỹ ở Úc về. Hỏi thêm thì được biết em cũng đã sang Mỹ lấy bằng thạc sỹ và ngày trước em học đại học ở Nga. Người đối diện em chợt lóe lên ý nghĩ, “hèn gì!”. Nhìn cách ăn mặc, cách hành xử thì ai cũng thấy ngay em là một trí thức Tây học thứ thiệt. Và là thứ trí thức thuần khiết, không chút pha tạp như một số trí thức thị trường ta vẫn thấy nhan nhản ngày nay.

Em có gương mặt trắng trẻo, bầu bĩnh. Cặp mắt em tuy yên tĩnh trầm buồn nhưng trong trẻo như không vướng chút bụi trần. Em lại khá xinh và trông cũng vẫn còn khá trẻ. Vì vậy mà các đàn anh thường săn sóc em như người con gái yếu ớt ngơ ngác giữa cuộc sống đời thực. Những lúc như vậy đôi khi cặp mắt em chợt có chút băn khoăn và em nói ngập ngừng, nhẹ như hơi thở thoáng qua, “em cũng không còn trẻ lắm đâu”. Nhưng em cũng không từ chối tham gia các cuộc gặp gỡ, tụ tập. Em cũng không ít bạn bè. Nhưng sau bao lần hẹn hò tâm sự em vẫn một mình. Người ta cũng không thấy ngạc nhiên lắm vì nhiều cô trí thức Tây học đã tuổi “băm” nhưng vẫn còn đủng đỉnh chuyện ổn định gia đình lắm. Em lại tỏ ra là người chú tâm đến công việc hơn là cuộc sống trần tục.

Em không thích những câu hỏi quá chính xác kiểu như “em đã làm ở đây bao nhiêu năm”, “em đã sống ở đây bao lâu”,…Em là dân học xã hội, nhưng lý do không phải vì vậy mà em không thích những câu hỏi quá chính xác. Em chỉ muốn tránh câu trả lời chính xác về những trang sách của cuộc đời em.

Phải, em cũng không còn trẻ lắm đâu và em cũng có một trang đời khác hòan tòan cái trang đời hiển hiện trước mặt mọi người như bao lâu nay. Ngày ấy, em mới từ nước Nga trở về…

Sân bay Nội Bài như thường lệ đông nghẹt người đi đón người thân từ nước ngòai về. Nhưng em vừa ra khỏi cửa ngăn cách bên trong với bên ngòai đã thấy cả gia đình vẫy rối rít.  Bố dành lấy việc đẩy chiếc xe chứa mấy chiếc vali nặng trịch. Em tíu tít bên mẹ và các chị em. Trên đường về, bố ngồi trên ghế trước quay lại thông báo với em một tin vui và long trọng: cả nhà em sẽ chuyển vô Sài Gòn sinh sống trong vòng vài tháng nữa. Em khựng lại đầy phấn khích, “thế mà bố không nói gì với con lúc con gọi điện thọai về”. Bố hoan hỷ, “bố cũng mới nhận quyết định mấy bữa nay thôi”. Em hỏi bố, “vậy là con sẽ xin việc trong đó chứ không phải ngòai này nữa chứ gì”. Bố xác nhận và nói thêm, “từ nay đến lúc đó con được chơi thỏai mái rồi khi vào đó sẽ tính chuyện xin việc sau”. Thế là em có thể rong ruổi cùng bạn bè trong mấy tháng trời còn lại ở Hà Nội này.

Em tung tẩy khắp Hà Nội, nào bún ốc bún thang, nào bún đậu mắm tôm, nào chè sen chè cốm. Đủ cả! Vây quanh em có đủ bạn trai lẫn bạn gái. Em trắng trẻo xinh xắn, lại mới ở nước ngòai về nên nhiều người xúyt xoa ngắm nghía. Đám con trai không giấu giếm “ý đồ” xa xôi. Em quen rồi. Thời sinh viên khối gì kẻ muốn làm vệ tinh của em. Nhưng em còn trẻ lắm, vô tư lắm, và cũng bận học lắm. Em chia đều tình cảm cho các vệ tinh này, những chàng trẻ tuổi hồn nhiên, không yêu được thì sẵn lòng làm bạn tốt. Cứ thế ríu rít như bầy chim.

 Một buổi kia em gặp chàng. Chàng đã đi làm được vài năm. Chàng từ một làng nghèo cách Hà Nội hơn trăm cây và đã trụ lại được ở Hà thành sau khi tốt nghiệp Đại học. Chàng dứt khóat muốn độc chiếm em nên tấn công ào ạt. Chàng đẹp trai và lịch lãm, lại còn rất nghiêm túc về tương lai. Em không dễ dàng khuất phục nhưng cuối cùng cũng xiêu lòng. Và tới cái ngày em cùng cả nhà tạm biệt Hà Nội để bắt đầu cuộc sống mới ở phương Nam thì cả em và chàng đều cảm thấy không thể sống thiếu nhau. Những tháng ngày tiếp theo là thời gian em và chàng tranh thủ mọi kỳ nghỉ dài ngày để nhảy tàu vào Sài Gòn hay ra Hà Nội thăm nhau. Cho tới ngày cả hai quyết định, một đám cưới là giải pháp tốt nhất cho hòan cảnh này. Chàng hân hoan vào Sài Gòn đòan tụ với em. Tuần trăng mật cần gì phải đi đâu xa, cứ quanh quẩn ở đây cũng ngất ngây tận chân mây rồi.

Khi tinh thần ăn chơi nhảy múa đã lắng xuống, chàng và em to nhỏ bàn chuyện tương lai. Chàng hướng em đến những cái đích to lớn mà em chỉ có thể nhất trí cao độ. Đó là phải xây dựng nền móng vững chắc về kinh tế cho cái gia đình đang hình thành. Em và chàng đều đi làm lương ba cọc ba đồng, vậy phải có sự thay đổi cơ bản. Chàng vẽ ra mấy ý tưởng kinh doanh, em nhất trí và chàng bắt tay vào việc còn em hỗ trợ chàng vì việc của em ở viện nghiên cứu cũng nhàn hạ.

Chàng của em đúng là người có chí, suốt ngày say sưa với công việc. Chàng ăn nói lịch lãm, biết giao du. Nhưng hỡi ôi, tài của chàng cũng chỉ dừng lại ở đó. Còn việc tìm hiểu thị trường, tìm đối tác, tổ chức thực hiện, vân vân, chàng như cầm cuộn chỉ rối trong tay và cứ loay hoay tìm cách gỡ ra từng sợi một. Gần một năm trời chàng chỉ gặt hái được vài hợp đồng nho nhỏ, chẳng đủ chi tiêu mà chàng còn tiêu lẹm vào nguồn tiết kiệm của gia đình em. Em ái ngại phải bỏ thêm thời gian gỡ rối cùng chàng. Cái việc bất đắc dĩ ấy rốt cuộc lại là chiếc chìa khóa mở tung những ngăn tủ chứa những tài năng mà bao lâu nay em và mọi người không biết mình có. Thì ra chốn làm ăn cũng có chỗ cho những kẻ thật thà như đếm như em. Em ăn nói nhẹ nhàng, chân thật, em hiểu biết, chịu học hỏi và em có tấm bằng du học để người ta nể và tin. Em nhận được nhiều hợp đồng và lo liệu mọi chuyện đâu vào đấy. Cũng bởi em suy nghĩ mạch lạc, không rắc rối cầu kỳ. Thực ra em cũng chẳng có tài ngồi gỡ được cả cuộn chỉ rối, chỉ phải cái em chẳng bao giờ để cuộn chỉ rối rơi vào tay em.

Thành công nối tiếp thành công, chàng bèn hoan hỷ bảo em, “chúng mình lập công ty cho chính danh làm việc”. Chuyện tất yếu thì sớm muộn cũng phải làm thôi. Đương nhiên chàng là giám đốc rồi vì còn vị trí nào thích hợp cho chàng hơn. Chàng là bộ mặt quá hòan hảo cho công ty. Em cũng muốn đứng đằng sau để có thể rút lui về làm mẹ bất cứ lúc nào. Em đã muốn ổn định một gia đình nho nhỏ vui vui. Em dã nghỉ hẳn việc ở viện nghiên cứu và là chủ lực trong công ty gia đình này.

Chuyện con cái té ra không suôn sẻ như công ty. Chàng có vẻ say sưa với công việc và chưa chú tâm vào việc “tái sản sinh nhân lực gia đình”. Chàng an ủi em, “chúng mình còn trẻ chán, còn thời gian cho việc con cái chứ cơ hội làm ăn không bỏ qua được. Vả lại phụ nữ trí thức như em thường có con muộn mà vẫn ổn”. Em cũng không lo ngại vì đúng là các bạn em đa số cũng vẫn đủng đỉnh lắm. Nhiều buổi tối sau một ngày làm việc mệt nhọc, chàng ngáp chán rồi lăn ra ngủ khiến em áy náy chẳng dám giục chàng. Chàng vẫn luôn nhẹ nhàng lịch lãm, em còn biết nói làm sao.

Em và chàng, cặp đôi thành đạt, đã mua được nhà, mua được xe và cặp kè hạnh phúc trong những buổi tiệc sang trọng. Làm vợ chồng son cũng sướng lắm lắm, bao người nhìn vào ghen tỵ. Em thì vẫn muốn sớm có một thằng cu con. Một bữa tiệc, mấy cô bạn gái nói với em nửa ái mộ, nửa ghen tỵ:

–         Này, đủ hết rồi đấy, chỉ thiếu đứa bế trên tay thôi đấy.

Em hơi buồn nhưng vẫn tươi cười đùa lại:

–         Sao nói đúng ý người ta thế!

Chàng dí dỏm thêm vào:

–         Bọn tôi đang bận chăm sóc những đứa con khác, khi chúng cứng cáp sẽ có ngay kế họach thích hợp.

Em yên tâm ngả vào vai chàng. Một thời gian sau, thấy chàng để mắt đến mấy thứ đồ con nít em bắt đầu hy vọng. Công việc chưa bao giờ thuận lợi hơn và em có thể rút lui mà không áy náy gì.

Sáng nay em quyết định chỉ đến văn phòng giải quyết nhanh mọi thứ rồi về nhà chuẩn bị cho bữa trưa và hành lý cho chuyến công tác nước ngòai dài ngày của chàng. Em thấy cần dành nhiều thời gian cho chàng hơn dù ngày nào em và chàng cũng bên nhau trong công việc. Về tới nhà, em lui cui trong bếp một lúc thì có điện thọai. Chạy lại nghe điện thọai bên cạnh bộ sofa em chợt nhận ra mảnh giấy chàng để  lại. Chàng thông báo phải đi Biên Hòa nên sẽ ra sân bay từ đó luôn. Em xúyt xoa tiếc rẻ rồi nhấc điện thọai gọi điện cho chàng định nói dăm ba câu tạm biệt trước khi chàng đi. Bỗng một hồi chuông gíong giả vang lên. Em sững người ngạc nhiên một lúc mới định thần rằng đó chính là tiếng chuông phát ra từ chiếc điện thọai của chàng, nằm đâu đó trong căn phòng này. Em đặt điện thọai xuống rồi lần theo tiếng chuông và tìm thấy chiếc điện thọai của chàng đang rung bần bật dưới gầm chiếc ghế sofa. Có lẽ chàng đã làm rơi nó khi ngồi viết tờ nhắn cho em. Em phân vân một chút rồi nghĩ chàng đi nước ngòai cũng chẳng dùng đến chiếc điện thọai này làm gì. Em giữ nó có khi còn tiện giải quyết mọi việc ngay nếu có ai gọi đến. Em lại tiếp tục thời gian biểu thông thường của mình.

Tối đến, đặt hai chiếc điện thọai song song trên bàn ngủ đầu giường, em tự cười thầm, chàng vẫn bên em. Em đang đọc một tờ tạp chí vui trước khi ngủ thì có tiếng tít tít báo hiệu có tin nhắn đến máy chàng. Em lười nhác với tay lấy nó để đọc tin. Có ai đó nhắn chàng, “chúc mừng cu con nhé!”. Em bật cười, thì ra chàng gọi cái hợp đồng béo bở mới ký là cu con, chàng biết em đang muốn có một cu con mà. Em chợt nay ra ý định muốn biết ai đã nhắn khôi hài thế để khi gặp nhau còn chọc chơi. Khi rướn người để lấy chiếc điện thọai của chàng, chợt một luồng gió lạnh buốt thốc vào lưng khiến em ớn lạnh và nổi da gà. Bàn tay em cầm chiếc điện thọai run run. Căn phòng đóng kín, làm sao có gió lùa vào? Sau này em tin là trên đời có điềm báo. Và lần này cái điềm báo đã đưa em đến một sự thật: chàng có một cu con thật, nhưng dĩ nhiên là không phải của em.

Em cầm chiếc điện thọai, nằm im không động đậy. Cảm giác đau đớn chiếm lĩnh cả cơ thể em. Em không biết mình đau vì cái gì, bị phản bội? đời khắc nghiệt? lòng tin vào con người sụp đổ? Em không biết và cũng không cần biết, chỉ biết rất đau. Em nằm im hàng giờ liền chịu đựng cơn đau, không biết lúc nào nó sẽ lắng xuống.

Ánh nắng sớm mai đánh thức giác quan của em và đánh thức luôn bản năng ra quyết định khi cần thiết. Chàng lúc này không còn thuộc thế giới của em nữa rồi. Chàng đang bên cô bồ trẻ với đứa con mới ra đời. Chàng dùng hai tuần để đi du lịch sang một thế giới khác; mà thực ra chàng đã sống ở thế giới đó rất nhiều rồi, một thế giới không có em và chàng hạnh phúc với nó. Cuộc sống mà em đang sống đây không phải của ai cả. Em không tồn tại thực trong đó. Em chỉ là một tiện ích cho nó tồn tại. Em phải tìm lại cuộc sống thực của mình.

*

Em nhìn lại căn nhà lần cuối để kiểm lại xem mình có quên cái gì không rồi quay lưng đi thẳng. Qua thùng rác, em ném chùm chìa khóa vào đó. Em vất theo cả chiếc điện thọai mà em đã hủy số, ôm trong lòng nó mọi thông tin về cuộc đời vừa qua của em. Em chỉ mang theo chiếc cặp đựng các giấy tờ tùy thân, cả bộ quần áo cũng mới được em mua hôm qua. Ở một góc khác của thành phố, đã có một căn hộ nhỏ với tòan bộ những thứ được sắm mới. Em đã ký tòan bộ giấy tờ để hòan tất thủ tục được tự do khỏi cuộc hôn nhân và tự do khỏi mọi công viêc của công ty. Mọi tư trang của em đã được chuyển cho các chị quét rác trước nhà. Các thứ còn lại em để chàng tự quyết định, nó không còn là của em nữa. Em không quan tâm khi trở về nhà tìm thấy các giấy tờ trên bàn chàng sẽ xử lý như thế nào. Em đã biến mất khỏi cuộc sống giả đó để về cuộc sống thực của em rồi.

Sau này nhiều người tiếc cho em đã từ bỏ những gì mà em đã tạo dựng bằng bao mồ hôi nước mắt để cho người không đáng được hưởng. Biết làm sao khi mà em muốn xé đi tòan bộ trang đời đó khỏi cuốn sách cuộc đời mình.  Em nằm bẹp trong ăn hộ nhỏ đó một thời gian để suy nghĩ về cuộc sống sắp tới của mình. Em nhắm mắt tưởng tượng mình bước lên cỗ máy thời gian quay về thời điểm xuất phát, khi em mới từ Nga về.

Em xinh đẹp, trẻ trung và hiểu biết, chẳng khó cho em để xin việc ở một viện nghiên cứu hay trường học. Chẳng ai để ý tới khỏang thời gian cách biệt từ khi em tốt nghiệp. Thời buổi khó khăn, người ta phải bươn trải với đời sống thì có gì khó hiểu. Em có gương mặt trắng trẻo, bầu bĩnh. Cặp mắt em tuy yên tĩnh trầm buồn nhưng trong trẻo như không vướng chút bụi trần. Chẳng ai nghĩ em đã có một đời chồng.

Và em đã viết một trang đời mới, sạch sẽ, tinh tươm, đầy sự ngưỡng mộ. Em đã hòa nhập vào cuộc sống mới, tham gia đầy đủ các buổi tụ tập, học hành nghiêm túc hết khóa học này đến khóa kia. Chỉ có hạnh phúc chưa đến với em.

Có khi nào…?

Nhưng mà thôi, em đã đau hết cỡ rồi, chẳng có gì làm em đau hơn được nữa.

 Sep 14, 2013