Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Tản văn’ Category

Năm 2005 cậu con trai làm cả nhà đứng tim khi cậu quyết định đổi vé máy bay đi từ Hà Nội về Sài gòn bằng chuyến tàu liên vận Thống Nhất xuyên Việt. Mọi người có lý do để lo ngại: ngòai việc cậu vẫn còn là đứa trẻ lớ ngớ ngòai đời, cậu đã sống ở nướcc ngòai từ lâu mà lại đi một mình. Cả nhà chỉ thở phào nhẹ nhõm khi nhìn cậu toe tóet cười ở ga Hòa Hưng, đang gò lưng đẩy mấy cái cần xé to đùng cùng mấy bà tiểu thương. Chuyến thám hiểm ly kỳ này rốt cuộc chỉ là những câu chuyện xoay quanh những người đồng hành cùng toa tàu với cậu: hai bà thương nhân người Trung và bác bộ đội người Bắc về phép. Nhìn cậu con vô tư kể chuyện, tôi chợt nghĩ, ba mươi năm trước cũng có một thiếu niên làm chuyến xuyên Việt đầu tiên trong đời, chuyến xuyên Việt hy hữu và đặc biệt đến nỗi những chuyến xuyên lục địa, xuyên Thái Bình Dương hay xuyên nửa vòng trái đất sau này so với nó chỉ còn là “ba thứ lẻ tẻ”!

*

Mùa Xuân năm 1975…

Lúc đó tôi đang ở ký túc xá cùng các bạn. Tin chiến thắng dồn dập từ miền Nam khiến cả khu nhà đầy ắp sinh viên và học sinh náo nhiệt ầm ĩ suốt đêm dù bài vở ngập đầu căng thẳng. Và cuối cùng niềm vui như nghẹt thở rồi nổ bung ra khi trận chiến thắng cuối cùng đã kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước. Với tôi niềm vui như gấp bội vì trong niềm vui chung, tôi có niềm vui riêng. Ấy là tôi và gia đình đã thỏa được lòng mong mỏi có ngày hôm nay để trở về Nam gặp lại đại gia đình đã bị chia cắt mấy chục năm. Tôi sẽ được tới một vùng đất mới, gặp những người thân chỉ được nghe qua lời kể.

Tôi bèn trốn trường về chơi với gia đình vào ngày 1/5, ngày lễ kế tiếp ngày vui chiến thắng. Còn gì hân hoan hơn những ngày say trong hòa bình còn mới nguyên.

Rồi tin tức giữa hai miền nhanh chóng thông thương, những bức thư gián đọan hơn hai mươi năm được nối lại. Chúng tôi được biết đầy đủ tin tức của người thân. Ông bà tôi đã ra đi cả rồi nhưng còn đủ các cô, chú, dì, cậu. Cô tôi viết thư hối thúc ba và các bác nhanh chóng về Nam. Các dì tôi cũng vậy. Với gia đình tôi, đó là điều khỏi bàn.

Khác với nhiều người, sau ngày thống nhất đã vào Nam ngay để chơi và xem xét tình hình, ba mẹ tôi chỉ báo cáo tổ chức và chờ nhận giấy điều động công tác rồi mới đi. Vào đầu năm học mẹ tôi đã nằm trong đòan giáo viên của Bộ Giáo dục gửi về Nam đợt đầu tiên. Vậy là tôi cũng khăn gói chuẩn bị lên đường cùng mẹ.

Tôi nhấc lên nhấc xuống từng quyển sách trong tủ sách yêu quý của mình. Biết mang gì và bỏ lại gì đây? Tôi đã phải bỏ lại cả con búp bê có khuôn mặt xinh đẹp với mái tóc vàng óng, biết nhắm mắt mở mắt và biết khóc oe oe. Con búp bê này dì tôi mang từ nước ngòai về cho. Tôi gói ghém theo những bức bưu ảnh có những hàng chữ tròn tim tím của những đứa bạn gái học cùng, cái Hương, cái Oanh, cái Vân, cái Hoa….

Mấy đứa bạn chỉ học mấy tháng với nhau ở nơi sơ tán cũng lũ lượt đến chia vui và tạm biệt cùng những dòng lưu niệm rất lâm ly. Bọn nó xúyt xoa ghen tỵ khiến tôi cũng thấy phấn chấn và tự thấy mình may mắn hơn bạn bè.

Dù biết cuộc hành trình trước mắt là dài và gập ghềnh, mẹ con tôi vẫn không thể giảm thiểu mớ hành lý hồi hương dưới hai chiếc vali. Và ngày xuất phát cuối cùng cũng đã đến.

Mẹ tôi là giáo viên, cũng là hiệu trưởng trường cấp 1. Ngẫu nhiên mà cuộc hành trình bắt đầu tại cổng trường của bà. Tất cả các thầy cô giáo trẻ đều ra tiễn đưa mẹ tôi. Họ đều mừng cho bà đạt được nguyện vọng ấp ủ bao năm. Tiếng cười nói huyên náo suốt dọc vỉa hè, nơi có mấy chiếc xe ca đậu hiên ngang háo hức chờ lệnh xuất kích. Chỉ khi có tiếng nhắc nhở mọi người lên xe để chuẩn bị rời khỏi thành phố, phút bịn rịn mới bắt đầu. Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô giáo Quỳ, mẹ của cái Hà học dưới tôi một lớp, mắt đỏ hoe, mũi sụt sịt giúi vào tay mẹ tôi một gói nho nhỏ. Cô Quỳ đã chuyển lên dạy cấp 2 từ lâu nhưng vẫn là người em thân thiết với mẹ tôi như từ thời hai người mới bỡ ngỡ về thành phố cảng xa lạ. Trong cái gói nho nhỏ ấy là cái hoa cài áo mạ vàng, gắn những hạt pha lê màu đỏ sáng lóng lánh. Nó không còn mới nữa nhưng là một vật quý hiếm thời đó và chỉ có thể được gửi về từ nước ngòai.

Xe chuyển bánh và tôi cứ ngóai nhìn các thầy cô đứng vẫy tay cho đến khi xe ngoặt sang phố khác. Cái háo hức với một trang đời mới không làm tôi buồn trong thời điểm chia tay ấy. Và thực tế vài chục năm sau tôi vẫn còn được gặp lại nhiều người đã đưa tiễn mẹ con tôi ngày đó.

Điểm dừng chân đầu tiên của cuộc hành trình là thị trấn Bần, Hưng Yên. Đấy là nơi tập kết của tòan bộ đòan người đi Nam của Bộ Giáo Dục. Ở đây có thể gặp những thầy cô giáo đã đứng tuổi, đèo bòng theo một lũ con nít mà họ âu yếm gọi là lũ mất gốc vì “chúng nói rặt giọng Bắc”. Cũng có kha khá một đám người trẻ tuổi còn giữ nguyên giọng Nam. Đó là những người đã từng học ở các trường học sinh miền Nam những ngày đầu tập kết. Họ mới rời trường sư phạm không bao lâu và hân hoan trở về quê hương, nơi chỉ còn là những ký ức tuổi thơ xa xưa. Và trong đòan, không ít một lực lượng người tuổi còn trẻ, đa phần là nam bị điều động vào những vùng xa xôi, nơi không có đủ giáo viên hồi hương. Một số trong đám người này có vẻ ra đi trong miễn cưỡng, thường lặng lẽ tót lên xe trước chiếm chỗ tốt do hành lý chỉ là một cái ba lô nhẹ tênh. Có lẽ họ không ngờ rằng chuyến đi đầy sóng gió này chính là bước ngoặt lớn cho cuộc đời họ, bước ngoặt mang lại một tương lai tốt đẹp mà những đồng sự ở lại quê nhà không bao giờ có được. Sau này ai cũng biết đất phương Nam là miền đất ẩn chứa biết bao cơ hội.

Đối ngược với hành lý gọn nhẹ của đám thanh niên chi viện, những người hồi hương ai cũng lỉnh kỉnh vali hòm xiểng. Thật là trớ trêu, những người nhanh chóng rời khỏi nơi mà họ luôn tâm niệm chỉ ở tạm dường như gói ghém theo mình mọi kỷ niệm của mấy chục năm ở nhờ. Bởi vì ai cũng biết, thời điểm đó miền Nam vẫn còn khá nhiều hàng hóa, mang cái gì cũng như khuân củi về rừng. Hành lý nặng nhưng lòng nhẹ tênh, chúng tôi ríu rít bước chân lên những chiếc xe ca nối đuôi nhau hướng về Hà Nội. Ga Hàng Cỏ là bến xe lửa duy nhất trong hành trình về Nam này sẽ đón tiếp chúng tôi cho chuyến tàu Hà Nội – Vinh vào tối hôm đó. Những người dân Hưng Yên đứnh hai bên đường vẫy chào tạm biệt đòan. Chỉ có hai tuần ở đây nhưng cũng đủ để đầy lên những cảm giác bịn rịn. Tạm biệt nhé những người nông dân với những chiếc áo nâu bạc màu đầy tình người và sự cam chịu. Đó là hình ảnh cuối cùng của tôi về những người dân điển hình của vùng đồng bằng Bắc bộ. Phải rất lâu sau tôi mới gặp lại hình ảnh này.

Ở Hà Nội tôi cũng thu xếp được thời gian chạy vào khu Thượng Đình để thăm các bạn đã ở cùng ký túc xá với tôi. Lúc đó là vào buổi trưa, mọi người đi ăn cơm gần hết nên tôi cũng không gặp được nhiều người. Cái Vân, một cô bé chín chắn, đậm người cứ bần thần rằng tôi thông báo quá đột ngột thế này làm nó trở tay không kịp. Nó vốn là đứa sâu sắc và chu đáo nên vô cùng áy náy với việc đi xa như thế này mà lại chẳng có kỷ vật gì. Tôi cũng không nói cho nó biết rằng trong hành lý của tôi có cả tấm bưu thiếp tự tay nó vẽ những cành hoa tím tặng tôi vào dịp sinh nhật vài tháng trước. Cuộc chia tay thật là vui vẻ. Mọi người có lẽ cho rằng tôi đi đến một tương lai tốt đẹp hơn. Hơn nữa, tôi cũng nghiệm ra rằng, cái cảm giác lưu luyến bùng phát chỉ bị chi phối khi có một lọai tàu xe nào đó chuyển bánh. Không có yếu tố “chuyển bánh”, người ta sẽ bình tĩnh hơn với sự chia ly. Thực sự những năm sau đó sống ở Sài Gòn tôi vẫn dành nhiều tình cảm cho những người bạn đã sống với tôi ở Thượng Đình.

Chiều tối ngày hôm đó chúng tôi khoan khóai bước lên đòan tàu để đi Vinh mà không biểt rằng đó là chặng đường êm ả nhất trong hành trình dài ngày của chúng tôi. Vì đòan có rất nhiều người nên chiếm hẳn mấy toa tàu và mọi người không phải chen chúc với hành khách thường. Mới đây thôi, lần nào đi tàu khách Hà Nội – Hải Phòng chúng tôi cũng bị chen lấn thiếu điều bị đè bẹp.

Tàu băng qua những phố phường đông đúc của Hà Nội. Tôi cảm thấy bồi hồi lưu luyến với cái thành phố lạ mà quen. Tại một ngã tư, tôi chợt nhìn thấy một người quen. Đó là anh Long, biệt hiệu Long “cò”, học trên tôi một lớp. Ngày xưa chuyện yêu đương trong trường phổ thông hiếm lắm nhưng trò gán ghép thì lại rất phổ biến. Cái lớp trên tôi ấy hiếm con gái nên các anh không ngần ngại “nhặt” các em gái lớp dưới gán cho nhau. Tôi bị gán với anh Long và các anh ấy đùa dai đến nỗi mỗi lẫn gặp anh Long tôi cúi đầu chạy chối chết. Nhưng thời điểm chia tay Hà Nội, anh này dường như là sứ giả của những gì gắn bó giữa tôi và Hà Nội nên tôi như muốn giữ lại hình ảnh thân quen này. Anh chàng không biết đến sự hiện diện của tôi, chống hai tay lên chiếc ghi đông, mắt chăm chú nhìn đòan tàu lao vun vút trước mắt. Tôi ngóai cổ nhìn anh cho đến khi góc phố đông đúc lùi xa tít. Đêm tối ập xuống rất nhanh và con tàu hùng hổ lao vào màn đêm đặc kịt.

Cùng với sự câm lặng của màn đêm, toa tàu cũng lặng xuống. Người lớn nhắc nhau nghỉ ngơi để lấy sức cho chặng đường dài. Tôi bắt đầu nghĩ đến miền đất mà tôi bỏ lại phía sau. Tôi mang cảm giác của cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại. Xa xôi như vậy, biết bao giờ mới quay lại, gặp lại? Tôi bắt đầu thấy nhớ nó. Ngòai cửa sổ là đêm đen ôm trong lòng nó làng mạc của nông thôn miền Bắc. Chỉ sáng mai thôi, tất cả những thứ đó đã lùi xa vào quá khứ.

*

Ngày hôm sau, những chiếc xe ca rùng rình đưa chúng tôi qua vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Tuy nhiên sông La, sông Lam, sông Nhật lệ và những vùng núi hùng vĩ của Quảng Bình cũng để lại hình ảnh tuyệt đẹp trong tôi. Tôi chợt nhớ tới bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan khi tới vùng đèo vắng lặng uy nghi mà hữu tình này. Cái hùng vĩ đầy ăm ắp khiến ta thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ diệu.

Và đây, chúng tôi đang đi qua vùng chiến sự cũ. Nói là cũ nhưng dấu vết của chiến tranh vẫn còn tươi nguyên. Xung quanh là một khỏang không câm lặng, không một dấu vết của cuộc sống. Chỉ có những đòan xe ngược chiều nhau phủ đầy bụi bặm của thời chiến. Cái được gọi là đường chỉ là những rẻo đất lồi lõm hằn những vết bánh xe. Xe chồm lên chồm xuống rồi nghiêng bên nọ ngả bên kia. Tôi không nhớ có ai bị nôn ọe không nhưng hình như mọi người đều cắn răng chịu đựng. Tài xế dặn mọi người ngồi im để xe giữ cân bằng. Mọi người đều cảm kích nỗi gian truân của những người lính phải trải qua những ngày chiến tranh. Mấy ông bố bà mẹ quay qua nói với tụi nhỏ, “tụi bay bây giờ là sướng lắm đó”. Cảm giác bình yên chỉ đến với chúng tôi khi có đòan xe chở các anh lính từ Nam ra. Rất dễ nhận ra họ, những người may mắn sống sót trở về. Đồng phục của họ bây giờ ngòai bộ quần áo xanh lá cây ra là khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc, là con búp bê sặc sỡ giống nhau như lột gắn bên sườn chiếc ba lô. Có lẽ họ cũng dễ dàng nhận ra chúng tôi, những chiếc xe chở cả con nít băng qua vùng chiến sự chỉ có thể là những người hồi hương. Hai đòan hồi hương ngược chiều nhau, các anh lính miền Bắc trở về quê sau chiến tranh và chúng tôi, những người Nam trở về quê sau khi đất nước thống nhất. Có lẽ thời điểm đó chúng tôi là những người hạnh phúc nhất. Hai đòan xe tươi cười với nhau, vẫy chào nhau. Và tôi đã gặp rất nhiều đòan xe như vậy, chúng cho tôi cảm giác chiến tranh đã lùi xa.

Tuy nhiên càng đi sâu vào vùng chiến sự dòng xe hai chiều ngày càng dày đặc. Đi cùng chiều với chúng tôi còn có nhiều đòan xe chở lính. Họ đội mũ lẫn lộn sao vàng với sao nửa xanh nửa đỏ, cờ của Mặt Trận Giải Phóng.  Còn có cả những đòan xe vận tải dài dằng dặc chẳng biết chở gì mà có vẻ nặng lắm. Ở đây đã xảy ra cuộc chen ngang bằng xe mà cả đời tôi lẫn đời nhiều người chắc chẳng thấy đến lần thứ hai.  Có một đọan đường bị sự cố mà đợi đến khi thông được thì đòan xe hai bên phải nằm chờ đến mấy ngày. Khi đường đã thông, để giải thóat hàng cây số xe nối đuôi nhau khiến cuộc di chuyển chậm như rùa bò. Những xe chỉ chở lính nhẹ tênh bèn nhanh nhẩu vượt lên trước khiến một chiếc xe vận tải vội chắn ngang đường không cho xe sau tiến lên để họ thông hết đòan xe của họp. Kẹt nỗi trời đã về chiều và đòan xe của chúng tôi phải đến trạm đón tiếp Bắc Nam vào đêm đó. Trên xe đầy con nít và người lớn tuổi không thể để nhịn đói giữa đồng không mông quạnh được. Một cô giáo già được cử ra thương lượng với các anh bộ đội vận tải. Các anh không thể từ chối nên đành lùi xe lại nhường đường cho xe chúng tôi. Và chính lúc đó cuộc chen lấn xô đẩy bắt đầu xảy ra y như ở quầy bán vé rạp xem phim những lúc có phim hay mà lại khan hiếm vé hay ở quầy bán vé ở bến xe vào dịp nghỉ Tết. Nhưng các nhân vật chen lấn không phải người mà là những chiếc xe! Một chiếc xe lao tới, một chiếc khác cũng nhào lên ép nó sang một bên rồi vọt lên trước. Các xe khác ào ào xông lên ép nhau lượn qua phải rồi sang trái. Các xe này đều cho mọi người xuống hết để mình các anh xế “chiến” với nhau. Chỉ lạ là chẳng có xe nào ngã chổng vó cả. Các anh bộ đội vận tải sau một hồi la hét, dùng các lọai vật cản cũng đưa được đòan xe của chúng tôi qua ải. Chúng tôi thóat hiểm, dông một mạch, để lại các anh vận tải chiến lại với đám bộ binh vô tổ chức kia. Đúng là cười ra nước mắt!

Xe chúng tôi về đến trạm Bắc Nam thì đã quá nửa đêm. Các cán bộ trạm thở phào nhẹ nhõm. Khổ thân họ, lo lắng mấy tiếng đồng hồ liền không biết việc gì đã xảy ra với chúng tôi.

Đây là vùng có thể nói gần như là “chết”. Xung quanh không cây cối, không nhà dân, chỉ có gió hun hút phần phật trong đêm nhờ nhờ ánh trăng yếu ớt. Và lạnh.

Đói và rét khiến chúng tôi lặng lẽ ăn rồi ngả lưng, chẳng còn nghĩ gì dến ngày mai, ngày chúng tôi sẽ vượt giới tuyến nổi tiếng một thời để tiến vào vùng đất phía Nam của Tổ quốc.

*

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, biên giới phân chia hai miền trước kia nằm e dè khiêm nhường trên lộ trình Bắc Nam. Nó không gây cho tôi cảm giác gì đặc biệt đến nỗi tôi súyt nữa thì bỏ qua sự hiện diện của nó. Cái ranh giới nổi tiếng kia chỉ cần 1 tích tắc để chạy qua nhưng lại cần hơn hai mươi năm để người ta có thể đi qua nó dễ dàng và nhanh chóng đến vậy. Và khi nó trở thành một điểm như bao điểm khác trên lộ trình thì người ta rất dễ bỏ qua nó, thậm chí không còn nhớ nó đã từng tồn tại trên đời.

Hàng chục năm sau tôi có đọc được một bài nói về sự lãng quên của chúng ta với miền đất đầu sóng ngọn gió đã lừng danh một thời: Vĩnh Linh, Bến Hải và cầu Hiền Lương. Mảnh đất nầy đã hy sinh mất mát nhiều và sau này họ lặng lẽ bươn trải trong nghèo khó trước sự lãng quên của người đời. Tôi ngờ rằng mảnh đất đó đã bị lãng quên ngay từ những ngày đầu, khi người ta gỡ bỏ hai trạm gác hai đầu cầu với hai sắc cờ bay phần phật trên đầu, cái biểu tượng khiến nó trở thành tâm điểm của sự chú ý không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Quả thực khi xe chúng tôi chạy qua cầu Hiền Lương, nó bình dị và lặng lẽ như bao cây cầu nhỏ khác bắc qua hàng chục con sông cắt ngang dải đất hẹp của miền Trung.

Tuy nhiên tôi vẫn nhận ra một điểm khác khá cơ bản. Bắt đầu tiến vào vùng đất của “bên kia” cũ, đường xá tốt hẳn lên. Những con đường này bằng phẳng, sạch sẽ và khá đẹp như chưa từng trải qua chiến tranh. Người ta nói rằng quân đội Hàn Quốc đã giúp chính quyền Sài Gòn xây những con đường này. Và có lẽ cả hai bên chẳng có lý do gì để phá chúng nên chúng được để yên cho đến ngày kết thúc chiến tranh.

Và đây rồi, sông Thạch Hãn và thị xã Quảng Trị. Bắt đầu từ đây tôi mới được chứng kiến dấu hiệu cuộc sống của miền Nam. Đó là lúc lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy từng tốp các thiếu nữ mặc những bộ áo quần trắng hoặc hồng (sau này tôi được biết đó là đồ bộ của phụ nữ miền Nam) đi phất phới dọc đường quốc lộ. Bọn con nít thò hẳn đầu ra cửa sổ ngó các cô cười và các cô đó cũng tươi cười lại với chúng tôi. Thật là vui vẻ và êm đềm làm sao! Lòng chúng tôi phơi phới niềm vui. Thật bõ vượt chặng đường gập ghềnh và xa xôi để được nhìn những cảnh tượng này.

Một hai chiếc xe bắt đầu chuyển hướng tách khỏi đòan đi về hướng khác. Đó là những người đầu tiên đã về đến quê hương: những người quê Quảng Trị. Chúng tôi hò reo tạm biệt họ. Với đa số chúng tôi, chặng đường phía trước còn xa lắm và còn dài ngày lắm nhưng niềm vui đã về đến quê hương như bắt đầu thấm vào tâm hồn cả đòan. Bắt đầu từ đây, mỗi khi đòan xe đến biên giới của một tỉnh thì lại có một vài chiếc tách đòan đi về hướng khác và mỗi lần như vậy chúng tôi đều bịn rịn chia tay. Mọi người ngóai nhìn nhau cho đến khi những chiếc xe chìm trong đám bụi mù tít đằng xa. Quen nhau chẳng bao lâu đã chia tay và không thể hẹn gặp lại. Mọi người dường như thấy thân thiết với nhau vì cùng chia sẻ hòan cảnh, tâm tư. Những chiếc xe rời xa nhau như kéo dài nỗi bâng khuâng của cuộc chia tay giữa những người bạn.

Cuộc hành trình băng qua dải đất miền Trung dài dằng dặc thực sự là cảm nhận đặc biệt mà ai cũng nên có dù lúc đó nó mới ra khỏi chiến tranh tàn khốc. Có khi xe chạy nửa ngày trời qua những nơi gần như không có dấu vết cuộc sống. Nhưng thiên nhiên không dấu nổi vẻ đẹp tự nhiên không gì có thể xóa được. Đó là những dải núi trùng điệp, những con sông trong vắt với hai bên bờ sạch sẽ, xa xa là những dải cát trắng phau, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Có lẽ các con sông miền Trung đều rất nên thơ và các bãi biển ở đó rất rực rỡ.

Rời sông Hương trữ tình chúng tôi hướng tới đèo Hải Vân. Từ xa đã thấy những chiếc xe nhỏ xíu bò trên con đường lượn vòng quanh quả núi khổng lồ. Con đường màu đất đỏ như sợi dây quấn quanh ngọn núi màu xanh là màu của cây cỏ mọc trên đó. Nói là xe bò trên đường chắc không sai vì khi đã thực sự đi trên con đường đó rồi mới biết không thể chạy nhanh được khi di chuyển trên đường đèo Hải Vân. Nó nhỏ và lượn vòng đến nỗi chỉ cần sơ sảy tý là có thể rơi ngay xuống vực gần như kề sát con đường.  Nó cũng chẳng đủ rộng để hai xe có thể chạy ngược chiều thỏai mái. Từng đọan một có những chỗ được đào lõm vào để những xe ngược chiều có thể tránh nhau.

Con đường uốn vòng quanh ngọn núi đã có thể coi là kiệt tác của bàn tay con người khắc họa vào thiên nhiên. Nhưng cái ý nghĩa “hải vân” đối với cảnh quan nơi đây mới thực sự là điều kỳ diệu mà thiên nhiên ban cho con người ở chốn này. Đó là nơi mây trời và nước biển (vân và hải) gặp nhau. Đứng trên đỉnh Hải Vân, tức là trên cao tít nhìn xuống ta có thể thấy những đám mây màu sắc sặc sỡ tiếp giáp với vệt màu xanh biếc của biển. Đẹp không lời nào tả nổi. Đám trẻ chúng tôi cứ quay bên nọ quay bên kia mà trầm trồ, “ồ, a, ơ kìa…”.  Mọi người không ai điều khiển mà đồng lọat bị hút về phía xuất hiện cảnh đẹp. Bác tài buộc phải nhắc mọi người không được cựa quậy hay dồn sang một bên để ngắm bất cứ cái gì vì như vậy sẽ làm mất cân bằng xe và tai nạn sẽ xảy ra như chơi! Phải nói là đẹp đến nín thở, chắc máy ảnh cũng không lột tả hết được. Cũng có lẽ tôi đã may mắn qua đó vào ngày đẹp trời, có mây ngũ sắc và nước biển xanh biếc. Ngày nay qua Hải Vân, tàu chui qua đường hầm làm mất cơ hội thưởng thức cảnh trời nước gặp nhau. Nhưng mà cũng đỡ nguy hiểm hơn.

Xe đưa tôi qua những địa danh đã nằm lòng tôi từ lâu qua sách vở: Đà Nẵng, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết,…Và đây, Mũi Né, nơi hàng chục năm sau trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Lúc đó tôi không thể hiểu nổi sao lại có nơi nào nước xanh biếc đến vậy, nằm rất gần đường với những mỏm đá lô nhô rất hữu tình. Thiên nhiên rực rỡ tưởng chừng như bức tranh mà họa sỹ có thể tô bất cứ màu gì họ muốn.  Cho đến bây giờ tôi vẫn cho rằng miền Trung sở hữu nhiều cảnh đẹp nhất nước mình. Tôi đi Hạ Long nhiều lần, cũng thấy nó đẹp nhưng chưa bao giờ phải nín thở trước cảnh đẹp như ở đây.

Con đường thiên lý thuộc miền Nam có vẻ khang trang, thuận tiện hơn nhưng do chúng tôi phải chuyển xe rất nhiều chặng và nghỉ đêm tại nhiều chỗ tạm bợ nên sự vất vả cũng vẫn còn.

Miền Trung cuối cùng cũng lùi xa và trước mắt là miền Đông Nam bộ. Dấu vết chiến tranh cũng nhạt đi nhiều. Lúc này cảm giác của tôi về miền Bắc đã rất xa vời. Miền Nam đất rộng người thưa nên đường quốc lộ băng qua vùng hoang vắng khá phổ biến, không như ở miền Bắc xóm làng chi chít dọc quốc lộ. Tất cả đều rất khác.

Đòan chúng tôi tiến vào xa lộ Biên Hòa, cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn vào buổi sáng nắng đẹp. Xa lộ Biên Hòa chưa bao giờ đẹp như  lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó. Con đường này to rộng hơn hẳn tất cả các đường khác, chạy tít tắp như đến tận chân trời. Và nó phẳng, phẳng đến mức hai làn xe chạy vun vút hai chiều mà vẫn nghe êm ru. Người ta nói đùa rằng nó phẳng quá nên lái không khéo sẽ bay thẳng xuống ruộng. Nhìn lên phía trước tôi thấy đường có những vùng sáng lấp lánh như những con đường trong chuyện cổ tích. Tôi tưởng như mình đang mơ. Lúc sau trấn tĩnh lại thì nghĩ rằng đó là mặt đường có những vũng nước phản chiếu ánh sáng mặt trời. Nhưng đi mãi chẳng gặp vũng nước nào cả. Thì ra đường nhẵn bóng nên phản chiếu ánh nắng như những chiếc gương vậy.  Gió lùa những mái tóc tung bay khiến lòng người thấy phơi phới. Sau này tôi đã đi lại con đường này thường xuyên, không thấy nó sáng lóng lánh như lần đầu nữa nhưng nó vẫn là một trong những con đường đẹp nhất và tốt nhất của Việt Nam. Nó tồn tại hàng chục năm không hề xuống cấp dù oằn lưng chịu đủ các lọai xe thượng nặng. Cũng lại của Hàn Quốc xây cho chính quyền Sài Gòn.

Chiếc cổng chào đã thấy trước mặt, cả xe ồn ào nhấp nhổm. Sài Gòn đây rồi!

Xe vượt qua cổng chào tiến vào đường Phan Thanh Giản, sau này đổi thành Điện Biên Phủ. Vừa qua khỏi cổng, bỗng nghe “rầm rầm rầm”, một thứ âm thanh ầm ỹ đập vào tai tôi khiến tôi không còn nghe được  gì nữa. Tôi như bị sốc trong phút chốc không hiểu chuyện gì xảy ra cho đến khi nhận ra, đó là âm thanh của một thành phố sôi động. Nó là hỗn hợp của tiếng động cơ xe hơi, xe máy, tiếng nói chuyện của đám đông di chuyển trên đường. Đúng là Sài Gòn, không giống những thành phố khác. Hàng chục năm sau tôi đã gặp lại cảm giác này khi bước ra khỏi bến xe ở Time Square, New York. Cũng là thứ âm thanh hỗn độn của người và xe khiến tôi không thể nói chuyện điện thọai được trong khi những người xung quanh cứ tỉnh bơ.

Lần đầu tiên đến Sài Gòn tôi đã được đi qua những con phố sầm uất và đẹp nhất: Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Độc lập (30/4), Tự Do (Đồng Khởi), Lê Thánh Tôn. Trụ sở Bộ Giáo Dục nằm trên đường Lê Thánh Tôn là điểm kết thúc chuyến đi “bão táp” của tôi. Sau khi được tuyên bố giải tán, mẹ con tôi nhanh chóng tìm chiếc xích lô để về nhà dì tôi. Có lẽ sự háo hức gặp người thân khiến tất cả mọi người quên hẳn việc chia tay nhau, không như những phút giây lưu luyến chúng tôi dành cho những người đồng hành rẽ ngang qua tỉnh khác. Tôi không còn nhớ bất kỳ một ai đi cùng chuyến xe với mình và cũng không bao giờ gặp lại họ.

Chiếc xích lô đưa chúng tôi qua nhiều phố phường người xe đi lại như mắc cửi. Tất cả mọi thứ đều lạ lẫm nhưng ngay từ giờ phút đó tôi hiểu mình sẽ yêu mến thành phố này mặc dù phải rất lâu sau đó tôi mới thôi nhớ Hà Nội và bạn bè của mình ở ngòai Bắc.

Chúng tôi thuộc những người về Nam sớm nhất nhưng về đến nơi thì thành phố đã kịp đổi tiền lần thứ nhất và chính quyền mới đã kịp đưa hết các sỹ quan của quân đội cũ vào trại cải tạo. Tất cả những đàn ông từ tuổi trung niên của gia đình tôi đều đang nằm trong các trại đó, kể cả những người là sỹ quan biệt phái hiện đang là giáo viên hay bác sỹ (một hình thức trốn lính rất hiệu quả của chế độ cũ). Vì vậy ngày đòan tụ cũng chứa chất nhiều ưu tư của sự chia ly và bất ổn. Tuy nhiên các dì làm rất nhiều món ngon cho mẹ con tôi ăn và đến chiều tối thì tôi đã gặp được hầu hết người thân còn lại ở Sài Gòn của mình.

Một trang mới của cuộc đời bắt đầu, không đơn giản và suôn sẻ như tôi và mọi người tưởng tượng. Nhưng tôi vẫn tự thấy mình may mắn được sống tại một thành phố và tại những thời điểm là tâm điểm của những cơn lốc làm thay đổi đất nước. Và cho đến bây giờ tôi vẫn luôn tự hào khi nói rằng, “Saigon is my hometown”.

1-3/5/2013

Read Full Post »

Older Posts »